1001 CHUYỆN (42)

1001 Chuyện

 

Chắc phải nói thêm về sự khác biệt giữa tâm linh và tinh thần nghe Bo; người ta có thể hiểu lầm hai điều khác biệt này.
– Vậy thì đây. Trước hết điều quan trọng cần nói là khả năng tâm linh  không phải là dấu hiệu của sự phát triển tinh thần; nói khác đi, cho rằng ai có thông nhãn thấy được tương lai, người đã khuất, hay hào quang là ở mức tiến hóa tinh thần cao, thì không đúng.
Bàn về khả năng tâm linh  thì có sự phân biệt giữa mức độ làm chủ nó nhiều hay ít, nghĩa là sức chủ động hay thụ động khi dùng. Thí dụ hay thấy nhất là người đồng mê man khi cho một thực thể sử dụng xác thân của mình, tức không làm chủ khả năng. Về các hành động như vậy, đương sự dùng hệ trực giao cảm tức là theo cách còn sót lại từ thú vật, là giai đoạn tiến hóa đã qua của ta.
Đối lại thì những khả năng tâm linh  cao của huyền bí gia chân chính thuộc vào loại có mức làm chủ cao, vì người ta thức tỉnh khi sử dụng nó; họ kiểm soát hoàn toàn mọi quan năng của mình. Loại quan năng cao này dùng hệ thần kinh não tủy, nối liền não bộ với các luân xa ở đầu là tuyến não thùy - pituitary gland, và tùng quả tuyến pineal gland.
Khác biệt nữa là tâm linh  dù ở mức cao nhất, tự nó không dẫn tới tính tinh thần, còn tinh thần khi nẩy nở thường dẫn tới sự khai mở tự nhiên các khả năng tâm linh, mà đương sự cần cho việc phụng sự nhân loại của họ. Bà Blavatsky nhiều lần khuyến cáo là người ta phải đi tới chuyện tâm linh bằng tính tinh thần - spirituality, nghĩa là phải từ trên cao đi xuống, điều khiển từ trên cao tức làm chủ quan năng thấp (tâm linh) bằng tâm thức cao hơn ở cõi tinh thần. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của Sự Sống:
– Cái cao làm chủ cái thấp.
– Cái lớn chứa đựng cái nhỏ
Nếu không theo cách này, con người có thể gặp phải nguy hiểm ở cả ba mặt là trí, tình cảm và thể chất; bà nói:
– … Đó là chuyện không tránh được, nếu sự khai mở những quyền năng tâm linh xẩy ra khi người ta có lòng ích kỷ và ham muốn nồng nhiệt.
Tính tinh thần thường được tả như là có đời sống trong sạch, không vị kỷ, và có tình thương cho muôn loài. Nhưng MTTL đi xa hơn, nói rằng con người là một thực thể tinh thần có tiềm năng thiêng liêng, và định nghĩa tính tinh thần là sự biểu lộ ngày càng nhiều cái Ngã thiêng liêng, hay Chân ngã qua phàm ngã. Điều này diễn ra khi thượng trí được Bồ đề tâm soi sáng, đây là tâm thức đại đồng không phân biệt ta với người và có sự an lạc. Sự tỏ ngộ tinh thần này phản chiếu nơi trí thường như là ý tưởng được gợi hứng, có tính sáng tạo.
Ý thức ở cõi tâm linh  bị  giới hạn nhiều hơn là cảm nhận tinh thần, vì tuy nó là sự nối dài của tâm thức vượt quá cảm nhận thông thường của ngũ quan, vùng hoạt động của nó chỉ giới hạn vào tâm thức mà phàm ngã sinh hoạt qua hai thể tình cảm và trí, là cõi trung giới và hạ trí. Khi cảm nhận này bị đặc tính của phàm ngã nhuộm mầu, nó có lòng phân biệt thay vì đại đồng, tức chỉ thấy một phần thay vì thấy tổng thể và là huyễn ảo. Lại nữa, cảm nhận phải đi xuyên qua cái trí và bị sự bất toàn của cái trí ấy bẻ cong. Mỗi chúng ta nhìn sự việc cõi trần theo quan điểm khác nhau, và cảm nhận tâm linh  bị ảnh hưởng của quan điểm cá nhân ấy; chuyện hay xẩy ra là người ta thường khi cho rằng điều mình thấy, nghe hay nghĩ là hoàn toàn đúng.
So sánh thì với cảm nhận tinh thần, đó là tâm thức tuôn chẩy từ cõi cao xuống, là cõi thực tại nơi mà sự việc được nhìn thấy trọn vẹn, theo mối liên hệ của chúng với tất cả những sự việc khác ở cõi trần và những cõi trên. Khi có nhận biết này thì có thêm một điều mới đi vào phàm ngã, có tính sáng tạo. Nó cho ra ảnh hưởng là sự khám phá trong khoa học như trái táo rơi của Newton, hứng khởi  trong nghệ thuật như của thi sĩ, nhạc sĩ, hay nỗi ngất ngây, hoan lạc mà thánh nhân kinh nghiệm và thuật lại. Ngôn ngữ không đủ để diễn tả cảm nhận tinh thần, điều thường khi nghịch lý với tâm thức thường ngày, và có vẻ như thi ca, nghệ thuật và biểu tượng biểu lộ hay hơn.
Có ý kiến nói rằng một số sinh hoạt đang có hiện giờ như kundalini yoga, tập luyện theo mật tông, nhiều phần dựa trên tính dục và không đưa tới phát triển tinh thần, mà còn có thể sinh ra căng thẳng tình cảm và tâm trí suy sụp. Người dùng thuốc LSD hào hứng khoe là cảm biết được mở rộng, ngao du khắp mấy từng trời, kinh nghiệm nhiều việc lý thú. Quả thực ảnh hưởng của thuốc làm tâm thức lộn xộn của phàm ngã mở lớn, nhưng khi không có óc phân biện và sự thăng bằng trí não, nó không thể dẫn tới mức cảm biết cao hơn.
Đối lại thì tham thiền là một phương pháp an toàn và chắc chắn hơn để mở rộng tâm thức. Khi tập thiền, ta phát triển được ý thức mình là cái ngã thiêng liêng vượt bên ngoài thú tính trong người. LSD đưa ta đi ra ngoài Chân ngã ấy, làm ta mất sự kiểm soát mà bị lôi cuốn theo xáo động vui buồn vô chừng của tình cảm, bị ảo ảnh làm mê hoặc, và hoang mang với muôn vàn hình ảnh hỗn độn và cảm xúc rối loạn. Tin rằng tiếp xúc với cõi tâm thức rối nùi này, và ngăn chặn trí tuệ và thiên tính của mình sẽ dẫn ta đến chuyện tinh thần, là rất đỗi ngây thơ. Kinh nghiệm của những khả năng tâm linh - dù ở mức cao nhất của thông nhãn - không nhất thiết làm thay đổi lối sống của người có khả năng đó. Họ có thể vẫn ích kỷ như thường.
Ngược lại ai đạt tới nhận thức tinh thần, bước vào cõi tinh thần thì chuyện khác hẳn. Cho dù chỉ cảm nhận trong khoảnh khắc sự mở rộng tâm thức, khiến họ cảm được rằng mọi vật liên hệ với nhau thành một hay Đại Ngã, nhận biết ngắn ngủi ấy gây ấn tượng sâu xa làm thay đổi trọn cuộc đời mãi mãi về sau.
– Mình nên nghĩ gì về tử vi, coi bói hở Bo? Người nói ‘thầy’ này bàn trúng phong phóc, người khác khen ‘thầy’ kia tiên đoán rất tài, nói đâu trúng đó. Sự thật là sao ?
– Như mọi chuyện, tử vi có thể được nhìn và diễn giải theo  khía cạnh cao hay thấp, rồi có người dễ tin, mà cũng có nhiều người không tin. Chuyện này dễ hiểu và là khuyến cáo cần thiết cho ai dễ tin hay không khôn ngoan. Có quan niệm cho rằng tử vi mà để xem hậu vận thì vừa là một đe dọa vừa là một cản trở. Tử vi cả đông và tây đều nói đến ảnh hưởng của các vì sao; nếu đương sự là người có bản lãnh, phát triển nhiều thì họ sẽ bắt đầu làm chủ các ảnh hưởng này thay vì để chúng chi phối.
– Nghĩa là gì ?
– Là họ sẽ làm chuyện không thể tiên đoán, lá số của họ tỏ ra không chính xác và không có nghĩa gì cả. Còn ai chưa phát triển thì nhiều phần là ảnh hưởng tinh tú chế ngự họ trọn vẹn, và do đó lá số hoàn toàn đúng như đã tiên đoán. Khi chuyện xẩy ra và con người chấp nhận lời bàn của lá số, ý chí tự do của họ bị đè bẹp hẳn, họ hành động gói trọn  trong vòng giới hạn của lá số, và hệ quả của việc này là đương sự không có nỗ lực cá nhân nào để giải thoát mình khỏi các yếu tố có thể xác định đời họ. Thế nên khi ai khoe khoang rằng lá số của họ đúng trăm phần trăm, và việc gì xẩy đến với họ là y như lá số đã tiên đoán, lời xác nhận ấy muốn nói rằng:
– Tôi là một người hết sức tầm thường; tôi không có ý chí tự do của mình; tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng của các vì sao chi phối và do vậy, không có ý gì muốn tiến bộ trong đời này cả.
Loại lá số này là một trong các loại mà chiêm tinh gia giỏi dang nhất muốn tránh. Người giỏi nhất về thuật này quan tâm chính yếu với ảnh hưởng nào hữu ích nhất về tánh tình, và muốn khám phá là nên diễn giải lá số về linh hồn như thế nào để tìm ra mục tiêu cuộc đời của cá nhân, và nhờ vậy thấy được sự phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng của phàm nhân đã tạo qua nhiều kiếp, và mục tiêu cùng ý chí đang chớm phát của linh hồn.
– Sang chuyện có lời của ai rằng họ là đệ tử Chân Sư thì mình nghĩ sao ? Tin được không Bo ?
– Người ta ghi là ông Hodson lúc còn sống không hề nói như vậy. Ông chỉ cho phép tiết lộ việc sau khi mình đã qua đời. Nguyên tắc chung là ai ở trong vị thế đó không cho biết điều ấy, vì một số lý do. Chuyện có hai ý, một là các vị đạo đồ Initiate thường kín tiếng về phận sự của mình, và hai là những đệ tử không tiết lộ vị thế của họ. Tại sao có sự bí mật đó ?
1. Thứ nhất là ảnh hưởng của lời nói, nó có khả năng thu hút mà ít ai để ý. Khi lên tiếng, người ta thu hút bằng từ lực chất liệu trong hào quang quanh mình và tác động - có chủ ý hay không chủ ý - lên các sự sống bên trong các thể của người chung quanh, cả thể thanh lẫn thể xác đậm đặc. Như vậy khi một người tuyên bố với ai lắng nghe rằng họ là bậc  đạo đồ hay đệ tử, làm vậy với chủ ý (dương tính) thì họ lôi kéo sự quan tâm vào cái ngã của mình. Chuyện không tránh được là họ tác động lên mặt âm tính của các nguyên tử trong những thể của họ, và của người chung quanh.
Nói rõ hơn thì lời nói của họ không phù hợp với câu huyền bí ‘Tôi là Cái Đó’ nói lên sự đồng hóa với Đại Ngã và do đó với ngọn lửa ở giữa là dương lực có trong mọi sự sống, mà ngược lại, bởi ấy là lời của phàm ngã nó sẽ chi phối các phàm ngã khác và tác động qua mặt âm tính. Nó là sự áp đặt - thường khi không hữu ý - lực hay ý chí của họ lên kẻ khác, và ảnh hưởng của những áp đặt như vậy sẽ gây ra hệ quả bất lợi. Nó kích thích chuyện bất hảo, gây ra phản ứng âm tính như là người nghe nẩy sinh lòng thành kính và sẵn sàng chịu cho người nói như vậy dẫn dắt, hay phản ứng khác là gạt bỏ và do đó gây sự chia rẽ, rồi chia rẽ sinh hiềm thù, ghét bỏ.
Đây là một trong số các lý do mà người đệ tử được dạy là coi nhẹ vị thế của cái ngã mình, mà nó cùng lúc nhấn mạnh vai trò của Thượng Đế nội tâm, là phần thiêng liêng y hệt nơi mọi người, và không ngỏ lời trừ phi làm thế có ích cho mục đích của nhóm. Điều sau làm được tốt đẹp nhất bằng cách kích thích đặc tính cao tột nhất có trong mỗi người.
– Thế thì tại sao các Chân Sư cho phép có tiết lộ rằng các ngài là những Đạo Sư ?
– Tuy các ngài để cho những đệ tử nói lên điều ấy, cho biết công việc, mức hiểu biết và khả năng trợ giúp của các ngài, và rằng các ngài đã giải thoát khỏi cõi trần, nhưng mình nên ghi nhận là lời nhìn nhận đó chỉ viết trong thư cho các đệ tử thân tín, và người sau nhận lãnh karma của việc truyền chi tiết ấy ra công chúng. Họ nhận trách nhiệm về hệ quả tốt hay xấu của sự tiết lộ này.
Một sự kiện nên biết về sự phát triển huyền bí, là người đệ tử càng gần vị Chân Sư và mục tiêu chừng nào, họ càng kín miệng chừng nấy, và càng ít muốn làm ngài chú ý đến mình như là một cá nhân (vì biết là các ngài hết sức bận rộn), và cũng không muốn có sự quan tâm đến họ như là một đại diện hay tác nhân của vị Chân Sư, bởi đó là một gánh nặng. Chuyện họ phải thực hiện sẽ làm dễ hơn khi có ít hơn những hình tư tưởng phải được chuyển hóa. Điều nữa là người đệ tử chân thực sẽ không quan tâm chút nào đến chuyện Chân Sư - đệ tử (vì họ quá bận rộn làm việc, và cũng bởi đó là sự thực đối với họ không cần phải nói), mà thường là kẻ sơ cơ, người vừa biết đường Đạo mới có lòng hiếu kỳ về liên hệ này. 
– Vậy có nên nói về các điều này cho công chúng nghe chăng ?
– Đây là lúc thuận tiện để công chúng được biết về bản chất và việc lảm của các Chân Sư, nhưng nó là chuyện khác hẳn với vấn đề đang nói, là lời tuyên bố có tính cá nhân rằng một người có liên hệ như thế với một Chân Sư, hay với Thiên Đoàn Hierachy.
Bởi vậy các bậc đạo đồ và đệ tử bảo vệ công việc làm bằng sự kín miệng và duy trì nó. Ta cũng nên nhớ rằng thể xác mà các bậc Đạo sư dùng để làm việc ở cõi trần được tạo cho mục đích riêng biệt; điều này ít được nhận thức tuy có liên hệ đáng kể tới chuyện mình đang nói. Thể xác ấy gồm chất liệu ở cảnh cao nhất của ba cõi thấp, và ấn tượng từ mức cao của các ngài, qua hạt nguyên tử trường tồn của thể bồ đề và thượng trí đi thẳng vào não bộ thể xác. Các ngài không có liên can gì đến ba cõi thấp, vì đã ra khỏi sự chế ngự của sắc tướng, ngay cả căn thể cũng đã tan biến, và nay các ngài là tinh thần thuần túy. Nó có nghĩa các ngài chỉ có thể ảnh hưởng mặt tinh thần nơi con người, tuy các ngài có thể điều khiển những lực của tinh linh ngũ hành nếu muốn làm vậy.
Đó là sự việc huyền bí nằm trong ý nói rằng các Chân Sư chỉ có thể làm việc với ai đã ‘đi vào thế giới của các ngài’, hay đã nâng chính mình lên trạng thái tâm thức làm họ có thể tiếp xúc với phần tinh thần của chính họ, ban đầu là  Chân ngã rồi sau đó là Chân thần. Do vậy mà có lời chỉ dẫn được đưa ra là con người hãy đi tìm Thượng Đế nội tâm, Đấng Chứng Đạo, để nhận biết và đáp ứng với làn rung động của Chân ngã.
Khi ấy vị Chân Sư có thể và làm việc là củng cố ấn tượng đó, cho tới lúc tạo nên đường kết nối có ý thức rõ ràng vào lần chứng đạo thứ nhất, và con người ở trên đường Đạo. Chuyện diễn ra rồi thì người  đạo đồ không thể nói về nó, và ta nên nhớ là sau diễn biến tương tự trong đời người huynh đệ của họ, thì giữa đôi bên sẽ nhận biết nhau không cần lời. David Anrias, tác giả quyển ‘Through the Eyes of the Masters’ kể rằng lúc ở Ấn Độ, anh tới một làng nhỏ vào cửa hàng bưu điện mua tem. Sự việc diễn ra ngắn gọn, nhưng dù chỉ có vài lời với người bán tem, anh có cảm nhận rõ ràng ấy là một đệ tử Chân Sư. Trở lại thì trước khi đường kết nối ghi ở trên được tạo, nói rằng ‘Tôi là một đạo đồ’ chỉ dẫn tới hệ quả phiền toái.
2. Giữ im lặng trong đời sống huyền bí - là chuyện thường được thấy - còn là do nguy hiểm cho ai không cẩn trọng, ai tò mò, ai thiếu suy xét và ai chưa sẵn sàng có được hiểu biết; người đệ tử phải có óc phân biện trong việc cho ra từ từ các sự kiện bí truyền, bằng không, làm vậy sẽ khiến trì hoãn tiến bộ của mình trong việc nhận được chỉ dạy. Thế nên câu nói:
– Ngôn ngữ là bạc, im lặng là vàng
không phải là lời nói suông, bởi vàng là biểu tượng cho linh hồn đã tiến bộ, làm việc với điện lực dương, còn lời nói là bạc và liên quan đến các sự sống âm tính, và ai dùng ngôn ngữ theo nghĩa thông thường, là vẫn còn chịu sự khống chế của những sự sống trên đường đi xuống của vòng tiến hóa, tức tinh linh ngũ hành. Ngôn ngữ là đặc tính của phàm ngã, và âm thanh là đặc tính của Chân ngã ở cõi trừu tượng.
Vị đạo đồ làm việc ở cõi trí và sử dụng lời thiêng, con người làm việc ở những cõi thấp dùng ngôn ngữ.
● Phương pháp con người dùng ở cõi trần luôn là hạ trí, óc tưởng tượng, hình tư tưởng của điều ham muốn, lời nói thiếu chính xác, và họ đồng hóa mình một cách vô thức với hình thể mà họ tạo tác, và với hình tư tưởng mà họ nghĩ ra.
● Vị đạo đồ, bậc đã giải thoát và người đệ tử đều theo cách chung là tham thiền, nhận thức, tượng hình và âm thanh, và ai tham thiền luôn sử dụng có ý thức bốn việc này.
Như thế trừ phi con người được giải thoát hoặc đang được mau lẹ giải thoát trên đường Đạo, họ chưa thể được tin tưởng hầu trao cho hiểu biết về các năng lực, dùng để trực tiếp điều khiển các lực của tinh linh ngũ hành tức mặt vật chất. Họ phải học trước tiên những phương pháp của sự kín miệng huyền bí.
3. Sự chủ ý im lặng còn được đòi hỏi vì các lý do sau:
– Im lặng làm phát sinh trong lòng con người sự hiểu biết về động lực, lý do để có lời nói và việc cần phải kín miệng. Tánh kín đáo vì vậy cho khả năng  bên trong và im lặng bên ngoài.
– Im lặng khiến họ có ý thức hơn về tham thiền, tính chất của nó và khả năng nghe được lời của nó.
– Im lặng dạy họ việc bảo toàn năng lực và giữ gìn lực cho có phụng sự nhân loại.
– Im lặng giúp sinh ra trong lòng họ khả năng duy trì sự quân bằng, và cho phép họ nuôi dưỡng nhận thức khi nối kết có ý thức với Chân ngã, vị Thượng Đế nội tâm, Thiên tính của chính họ.
4 . Một lý do mạnh mẽ khác cho việc vun trồng sự im lặng là lời nói sinh ra karma, và chữ phát ra luôn luôn cho kết quả cần phải làm tròn, nếu lời ấy liên hệ hay dựa trên phàm ngã; còn vị đạo đồ hay người đệ tử là kẻ đang ở trong cảnh giảm lần karma, trên đường tới sự giải thoát. Ngược lại, việc phát ra lời có tính huynh đệ, và việc dùng lời nói để trợ giúp hay chỉ dẫn đường Đạo không sinh karma.
Khi một ai tuyên bố hay khiến bản thân được chú ý như là bậc đạo đồ hay người đệ tử, họ tạo sự liên kết có lợi hay bất lợi với những người khác, và họ phải giải quyết ảnh hưởng của việc dùng lời nói như vậy với những người này, và theo với thời gian, phải làm cho minh thoát khỏi những hình tư tưởng của lòng sùng kính hay không ưa thích, sức thu hút nồng nhiệt hay sự bài bác chê trách mà những kẻ này tạo ra. Họ phải ‘đứng sẵn - stand by’ theo nghĩa bí truyền, cho tới khi giải quyết xong hệ quả bất lợi của những lời thiếu suy xét của mình, bao lâu còn cần như vậy.
5. Cho riêng cá nhân của ai đi trên đường Đạo, kinh nghiệm từ xưa tới nay truyền lại cho thấy là khi nào có kinh nghiệm tinh thần bên trong người ta cảm thấy phải kín tiếng, vì nhận biết rằng việc thuật lại hay thảo luận các sự kiện tâm linh cao và tinh thần trong đời họ, thì nó sinh ra cảm giác mất mát và đi ngược với luật huyền bí. Cảm nhận này có vì nó dựa trên nhận biết đúng đắn, là thảo luận một sự kiện tinh thần với ai không hiểu, hàm chứa nhiều nguy hại, nguy hại sinh ra bởi diễn giải sai, huyễn mộng và ảo tưởng.
Các Chân Sư làm việc với ai đến với ngài, đã phấn đấu tìm đường để tới trước mặt ngài và tìm được cách vào thế giới của các ngài, do có làn rung động tương tự. Các ngài không nói cho ai cũng hay vì các ngài biết luật, và lời các ngài được nói với ai tìm đến Chân Sư. Các ngài nói với người theo cùng mục đích, những ai biết do nhận thức riêng của mình và lời của ngài là cho họ, làm họ trở thành tác nhân cho các ngài ở cõi trần để thực hiện Thiên Cơ.
– Vậy nhìn lại thập niên 1920, 1930 trong Hội, có nhiều lời đưa ra nói rằng người A, B hay C là đệ tử của Chân Sư này hay kia, đạt chứng đạo mấy lần, cả La Hán nữa !, thì mình nên nghĩ sao ?
– Mỗi người sẽ có nhận định và ý riêng của mình, ở đây chỉ đưa ra nhận xét của hai nhân vật để biết thêm. Bà Radha Burnier, Chánh Hội Trưởng khi trước của hội Theosophy nói giai đoạn ấy có lắm sự điên rồ - a lot of folly (A Jewel on a Silver Platter, p.  198), còn ông Geoffrey Hodson coi những lời đó là tai họa - disaster (Sharing the Light, vol. 3, p. 474) cho Hội.
– Mà tại sao có những tuyên bố ấy ? và bây giờ nhiều người vẫn tin !  cũng còn nữa, các tổ chức và cá nhân nói rằng họ có liên kết với đức này hay đấng cao cả kia, nghe y như chuyện Phong Thần.
– Việc xẩy ra do có người nhậy cảm với sự việc nơi cõi trung giới, và phản ứng với nhiều hình tư tưởng về các đấng cao cả ở cõi này. Hình do lòng sùng tín của người chí nguyện trên thế giới tạo nên, và do tham vọng tinh thần ích kỷ của họ. Chúng không do người đệ tử sinh ra, vì người ta chỉ được nhận làm đệ tử khi ít ra không còn tham vọng cá nhân tệ hại nhất. Việc thoát khỏi tham vọng này được chứng tỏ hay biểu lộ qua sự kín tiếng chuyện cá nhân, và không có hành động quảng cáo về mình, là chuyện có thể thấy noi người chí nguyện, cũng như không có tuyên bố về vị thế và mối liên hệ của họ.
Sự kín miệng còn có thể được hiểu theo cách khác, ấy là không có ý chỉ trích với ai mà ta tiếp xúc hằng ngày, và kế đó là lặng thinh chuyện về mình. Xét cho cùng thì sự kín miệng chỉ muốn nói là việc bảo toàn năng lực.
– Luật nói rằng khi có được hiểu biết hay khả năng thì người ta không được phép giữ làm của riêng để sinh lợi cho cá nhân, mà có trách nhiệm phải san sẻ, chia sớt với người khác để họ cũng được sáng như mình. Nhưng đâu phải hiểu biết nào cũng nên được truyền ra, và đâu phải ai cũng sẵn sàng để nhận bất cứ hiểu biết nào ?
– Hay đó, tức là phải có óc phân biện biết khi nào nên hay không nên truyền đi hiểu biết.
– Còn tại sao phải chia sẻ nó ?
– Câu đáp giản dị chỉ nói ấy là luật của sự sống, rằng tất cả là một không có sự phân cách, chia rẽ, và làm vậy để mang lại lợi ích cho số đông người nhất. Biết như thế thì người ta cẩn thận hơn với việc đi tìm và thu thập hiểu biết.
– Tức nãy giờ em hỏi là có trách nhiệm ư ? Thế thì phải viết 1001 cho bà con xem để giải trách nhiệm, xong rồi hỏi tiếp !

Theo:
Occult Reticence - Alice A.  Bailey
The Beacon, March 1926

Xem Mục 1001 Chuyện